Máy ảnh ALPA

Nhắc đến tên máy ảnh Alpa, nhiều bạn ảnh không hề nghe đến, có người lẫn sang máy ảnh Agfa (đây là một sự vô tình có thể khiến ta chán ngán đến rơi lệ, vì phẩm chất của máy Agfa không thể nào và cũng chưa từng bao giờ có thể sánh với phẩm chất của máy Alpa được !).

Nguồn: Anderson & Garland

Máy ảnh Alpa do hãng Pignons AG, ở Ballaigues, Thụy Sĩ sản xuất. Chỉ một tiếng Thụy Sĩ thôi cũng đủ cho ta mường tượng được phẩm chất của cái máy như thế nào rồi. Alpa là hãng chế tạo máy ảnh duy nhất trên thế giới không cần biết đến giá thành của chiếc máy là bao nhiêu, miễn rằng sản phẩm làm ra có phẩm chất cao. Ðây là một trong vài kiểu máy tốt nhất và đắt nhất, hơn cả Roll Royce, Ferrari, Lagonda... của kỹ nghệ xe hơi, hơn cả Omega, Rollex, Patek Philippe... của kỹ nghệ đồng hồ.

Nguồn: collectiblend.com
Hãng Pignons S. A. là một hãng tư, kỹ nghệ gia đình, thành lập năm 1918 để sản xuất đồng hồ treo tường, đồng hồ đeo tay... Vì kinh tế lên xuống bất thường trong những năm sau đó, nên năm 1933, gia đình quyết định chuyển hẳn sang kỹ nghệ nhiếp ảnh, chế tạo máy ảnh vừa thuộc loại đơn kính phản chiếu (SLR), vừa thuộc loại kính trắc viễn (kiểu như Leica M...).


Chiếc máy ảnh đầu tiên do hãng sản xuất năm 1939 tên là "Bolca", "Teleflex" và "Viteflex". Năm 1944, hãng quyết định đặt tên máy ảnh là "Alpa Reflex" và triển lãm chiếc máy ảnh tên đó lần đầu tiên tại Hội chợ Công-kỹ nghệ Basel, Thụy Sĩ. Và từ đó đến nay, hãng vẫn tiếp tục sản xuất máy ảnh có phẩm chất cao dưới tên Alpa, máy đều làm bằng tay, không qua hệ thống dây chuyền.


Alpa là hãng có nhiều cái "NHẤT" trong kỹ nghệ máy ảnh, tuy vậy mà rất nhiều người vẫn không biết đến những cái nhất đó, do đó chúng tôi đành phải liệt kê ra đây một số thành tích nổi nhất như sau:

  • Chiếc máy đầu tiên có kính phản chiếu có thể khóa lên được (mirror lock-up) để khỏi làm rung máy khi thu hình, có ống kính đẩy thụt vào thân máy (cho nên máy chỉ dầy có 5cm), năm 1944.
  • Hãng đầu tiên sáng-chế ra hệ thống đo sáng xuyên qua ống kính, năm 1947 và cũng là hãng đầu tiên sản xuất hệ thống đó, năm 1963.
  • Chiếc máy ảnh có trụ nhắm neo vào thân máy ở ba điểm, lần đầu tiên thực hiện vào máy SLR, năm 1949.
  • Hãng đầu tiên sản xuất ống kính có gương phản chiếu (mirror tele lens) là Delf Fototel f/ 6.3, sản xuất năm 1950.
  • Hãng đầu tiên chế tạo ống nhắm máy ảnh có nhiều khung cho ảnh trường của nhiều tiêu cự ống kính như 50, 90, 135 mm... năm 1952.
  • Hãng đầu tiên và duy nhất trên thế giới cho đến tận nay, chế tạo ống kính cơ bản Apochromat, từ năm 1952.
  • Hãng đầu tiên mà cũng là hãng duy nhất chế tạo máy có kính trắc viễn (CRF) phối hợp trong máy đơn kính phản chiếu (SLR) vào máy Alpa 7, năm 1952.
  • Chiếc máy ảnh đầu tiên có màn trập tự động, năm 1956.
  • Hãng đầu tiên chế tạo viễn kính Apochromat, năm 1959.
  • Hãng đầu tiên và duy nhất cho đến ngày nay, trang bị ống kính cơ bản đồng thời là ống kính chụp cận, Alpa 11, năm 1959.
  • Có dàn ống kính bao hàm nhiều tiêu cự nhất, từ loại tiêu cự chỉ có 1.9 mm tới loại siêu viễn kính 5000 mm.
  • Hãng máy ảnh chế tạo nhiều ống kính Apochromat nhất.

Những máy Alpa liệt kê dưới đây được sắp theo thứ tự của năm sản xuất, thí dụ "1959-1965" (do đó kiểu máy có khi nhẩy cách quãng); số trước là năm kiểu máy bắt đầu được sản xuất, số sau là năm mà hãng chính thức ngưng sản xuất kiểu máy đó. Tuy nhiên, nếu có phiếu đặt hàng đặt làm một loại máy cũ, nếu cơ phận tồn kho vẫn còn, hãng cũng thực hiện. Ta cũng có thể yêu cầu hãng cải biến bất cứ kiểu máy nào tùy công dụng hay sở-thích cá nhân.

Số máy ghi kèm mỗi kiểu không chính xác lắm, dù đây là chính tài liệu do hãng sản xuất cung cấp.

Số máy của những máy thử nghiệm (prototype) ở trong khoảng từ 10000 đến 25000.

Số máy của những máy trưng bày (dummies) ở trong khoảng số 29000.

Ống kính Angénieux do hãng Angénieux của Pháp, chuyên chế tạo ống kính cho máy quay phim (Arriflex, Beaulieu, Paillard, Pathé...) cho máy chụp ảnh (Leica...) thực hiện.

Ống kính Berthiot do hãng chế tạo ống kính nổi tiếng từ thời tiền chiến, Som Berthiot của Pháp chế tạo.

Ống kính Kern do hãng quang kính Kern (chuyên chế tạo dụng cụ trắc địa thượng đẳng chính xác) thực hiện (bạn nào ở trong ngành kiến trúc, công nghệ, công chánh, địa dư và điền địa... chắc hẳn chưa quên bộ com-pa Kern và máy trắc địa Kern của Thụy Sĩ). Kern cũng sản xuất ống kính cho máy quay phim nhà nghề...

Ống kính Schneider do hãng Schneider của Ðức, hãng có tên tuổi và truyền thống sản xuất ống kính có phẩm chất cao chế tạo. Schneider chế tạo ống kính cho Retina, Ikonta, Rolleiflex...


ÐẶC TÍNH CHUNG CỦA MÁY ALPA:

  • Tất cả các máy Alpa đều thay đổi ống kính được; ống kính bắt vào thân máy bằng ngàm (bayonet), kiểu ngàm này thay đổi năm 1947 và 1959.
  • Màn trập bằng vải (hoặc hợp chất) đặt ngay trước mặt phim (focal plane shutter), tốc độ B, T, từ 1 tới 1/1000 giây; hai kiểu Alpa 6 và 7 có cơ phận tự chụp ST (self timer).
  • Ống kính cơ bản của Alpa đều được tinh hóa (coated). Ống kính cơ bản trang bị cho Alpa Reflex và Alpa Prisma là Alpa Alfinon 50mm f2.8, Angénieux Alitar 50mm f 1.8, hoặc Schneider Xenon 50mm f 1.9. Ống kính cơ bản trang bị cho các kiểu Alpa 4, 5, 6, 7, 8 là Alpa Alorar 50mm f3.5, Alpa Alfinon 50mm f2.8, Schneider Xenon 50mm f1.9, Kern Switar Apochromat 50mm f1.8, hoặc Alpa Makro-Kilar 40mm f3.5...

Trong những kiểu máy đầu, theo trào lưu thời bấy giờ, một số ống kính gồm hai phần, phần ngoài có thể đẩy thụt vào phần trong và phần trong bắt vào thân máy bằng ngàm. Khi dùng, ta kéo phần ngoài của ống kính ra, vặn sang trái một chút để khóa cho chắc; khi cất đi, ta vặn sang phải mở khóa, đẩy ống kính vào thân máy. Loại này ta tạm gọi là "ống kính xếp gọn", để phân-biệt với loại ống kính bình thường (không xếp gọn).


BORCA I (số máy 11000-13000), sản xuất năm 1942-1946.
Máy đơn kính phản chiếu, nhắm từ trên xuống, cũng có thể nhắm ngang mắt, có kính trắc viễn, lấy nét bằng cách trập hai hình ảnh chồng lên nhau.

Máy trang bị ống kính xếp gọn Berthiot 50mm f2.9. Trước khi ngưng sản xuất, một số máy được khắc tên "Bolsey Model A". Cả hai đợt máy này đều hiếm, nhất là loại Bolsey A.


BOLCA STANDARD (số máy 11000-13000), sản xuất năm 1942-1946.
Tương tự như máy Borca I kể trên, nhưng không có hệ thống nhắm phản chiếu. Nhắm qua cửa sổ, có kính trắc viễn.

Năm 1947 được gọi là Bolca Standard. Ðây là kiểu máy rất hiếm.


ALPA I (số máy 13000-25000), sản xuất năm 1947-1952.

Nguồn: Catawiki.com
Máy không thuộc loại phản chiếu, nhắm qua cửa sổ, có kính trắc viễn.

Trang bị ống kính xếp gọn Angénieux 50mm f/ 2.9. Alpa đổi kiểu ngàm bắt ống kính vào thân máy từ kiểu này. Một số lượng nhỏ máy kiểu này không có tốc độ chậm (chỉ có tốc độ 1/5 tới 1/1000 giây).


ALPA REFLEX II (số máy 13000-25000), sản xuất năm 1947-1952.

Nguồn: Leicashop.com

Máy cũng có tên là "Bolsey Reflex", tương tự như kiểu máy Alpa I, nhưng là máy phản chiếu có kính trắc viễn.

Trang bị ống kính xếp gọn Angénieux 50 mm f/ 2.9 hoặc ống kính cơ bản thường Angénieux Alitar 50 mm f/ 1.8.



ALPA PRISMA REFLEX III (số máy 13000-25000), sản xuất năm 1949-1952.

Nguồn Kamerastore.com

Hệ thống nhắm máy gồm kiểu nhắm xuống, hoặc thay đổi được với loại "nóc trụ" nhắm ngang tầm mắt (eye-level prism, tiếng lóng mà anh em bạn ảnh thường gọi là "nóc gù" hoặc "nóc chùa"). Ðây là chiếc máy ảnh đơn kính phản chiếu đầu tiên của thế giới trang bị nóc trụ.

Ống kính trang bị cho kiểu này cũng gồm có Angénieux 50 mm f/ 2.9 hoặc f/ 1.8; một số máy chót có trang bị ống kính Schneider Xenon 50 mm f/ 2.0.



ALPA 4 (số máy 30001-39000), sản xuất năm 1952-1960.

Nguồn: collectiblend.com

Thân máy đúc bằng hợp kim magnesium cho thêm bền chắc. Tên "Mod. 4" khắc vào thân máy phía trên ống kính. Máy phản chiếu, nhắm từ trên xuống (không có nóc trụ), có gắn kính phóng đại cho dễ quan sát và lấy nét. Có cơ phận ngừa chụp chồng. Có gương phản chiếu hồi tục cấp thời (khi bấm máy, gương phản chiếu bật lên để hình ảnh lọt vào phim, sau đó gương trở về vị trí nhắm ngay). Lưng máy có thể tháo rời ra được. Tốc độ tương giao với flash X là 1/50 giây; tương giao với flash đèn bóng ở đủ mọi tốc độ.

Trang bị ống kính xếp gọn Specktros 50mm f3.5, hoặc Alpa Alorar 50mm f3.5, hoặc Alpa Alfinon 50mm f2.8, hoặc Makro Kilar E 40mm f3.5, hoặc Schneider Xenon 50mm f1.9, hoặc Kern Switar Apochromat 50mm f1.9 Auto Diaphragm.



ALPA 4b (số máy 40701-48101), sản xuất năm 1959-1965.

Nguồn: collectiblend.com
Tương tự như Alpa 4, nhưng được trang bị gương phản chiếu hồi tụ cấp thời; thêm cần lên phim. Ngàm để bắt ống kính được cải biến một chút, máy màu đen.

Trang bị nhiều loại ống kính, có thể là ống kính xếp gọn hoặc ống kính thường (không xếp), như Alpa Alora 50mm f3.5, Alpa Alfinon 50mm f2.8, Makro Kilar D 40mm f2.8, Schneider Xenon 50mm f1.9, Kern Macro Switar Apochromat 50mm f1.8 hoặc Delf 50mm f2.8.



ALPA 5 (số máy 30001-39000), sản xuất năm 1952-1960.

Nguồn: collectiblend.com

Là kiểu Alpa 4, có gắn nóc trụ nhắm 45 độ. Tên "Mod. 5" khắc vào thân máy phía trên ống kính. Khác với kiểu Alpa 67 là không có cơ phận tự bấm, không có kính trắc viễn. tương giao với flash giống như Alpa 4.

Trang bị nhiều loại ống kính, có thể là ống kính xếp gọn hoặc ống kính thường (không xếp), như Alpa Alora 50mm f3.5, Alpa Alfinon 50mm f2.8, Makro Kilar D 40mm f2.8, Schneider Xenon 50mm f1.9, Kern Macro Switar Apochromat 50mm f1.8 hoặc Delf 50mm f2.8.



ALPA 5b (số máy 39801-48101), sản xuất năm 1959-1965.

Nguồn: collectiblend.com
Tương tự như Alpa 5, nhưng được trang bị gương phản chiếu hồi tụ cấp thời; thêm cần lên phim.

Trang bị nhiều loại ống kính, có thể là ống kính xếp gọn hoặc ống kính thường (không xếp), như Alpa Alora 50 mm f/ 3.5, Alpa Alfinon 50 mm f/ 2.8, Makro Kilar D 40 mm f/ 2.8, Schneider Xenon 50 mm f/ 1.9, Kern Macro Switar Apochromat 50 mm f/ 1.8 hoặc Delf 50 mm f/ 2.8.



ALPA 6 (số máy 30001-39000), sản xuất năm 1955-1959.

Ðây là kiểu máy phối hợp các đặc tính của Alpa 4 và Alpa 5. Tên "Mod. 6" khắc vào thân máy phía trên ống kính. Kính mờ trong ống nhắm phản chiếu có một vòng tròn, cắt ngang bằng một đường thẳng ngay giữa để cho dễ lấy nét; có cơ phận tự bấm.

Ống kính trang bị cho máy Alpa 6 gồm có ống kính xếp gọn hoặc ống kính thường (không xếp, như Alpa Alora 50 mm f/ 3.5, Alpa Alfinon 50 mm f/ 2.8, Makro Kilar D 40 mm f/ 2.8, Schneider Xenon 50 mm f/ 1.9, Kern Macro Switar Apochromat 50 mm f/ 1.8, hoặc Delf 50 mm f/ 2.8.



ALPA 6b (số máy 39601-48100), sản xuất năm 1959-1963.

Nguồn: collectiblend.com
Tương tự như Alpa 6, nhưng được trang bị gương phản chiếu hồi tụ cấp thời; thêm cần lên phim.

Ống kính trang bị cho máy Alpa 6b gồm có ống kính xếp gọn hoặc ống kính thường (không xếp, như Alpa Alora 50 mm f/ 3.5, Alpa Alfinon 50 mm f/ 2.8, Makro Kilar D 40 mm f/ 2.8, Schneider Xenon 50 mm f/ 1.9, Kern Macro Switar Apochromat 50 mm f/ 1.8, hoặc Delf 50 mm f/ 2.8.


ALPA 6c (số máy 42601-46500), sản xuất năm 1960-1969.

Nguồn: collectiblend.com
Tương tự như Alpa 6, nhưng nóc trụ phản chiếu 45 độ được thay thế bằng nóc trụ nhắm ngang (giống như nóc trụ của máy phản chiếu ngày nay); thêm quang kế selenium (cửa sổ của quang kế đặt ở phía trên và bên phải của ống kính, nhìn từ phía trước vào ống kính; cửa sổ này có miếng plastic mờ đạy ngoài và miếng này rất dễ thất-lạc, nhất là máy cũ).

Ống kính trang bị cho máy Alpa 6c gồm có ống kính xếp gọn hoặc ống kính thường (không xếp, như Alpa Alora 50 mm f/ 3.5, Alpa Alfinon 50 mm f/ 2.8, Makro Kilar D 40 mm f/ 2.8, Schneider Xenon 50 mm f/ 1.9, Kern Macro Switar Apochromat 50 mm f/ 1.8, hoặc Delf 50 mm f/ 2.8.



ALPA 7 (số máy 30001-39000), sản xuất năm 1952-1959.

Nguồn: collectiblend.com
Máy có gương phản chiếu hồi tục cấp thời (instant-returned mirror); vừa có ống nhắm, vừa có kính trắc viễn : ống nhắm có ba khung nhắm cho ba ống kính 50, 90 và 135 mm (tương tự như Kodak Retina IIIC), kính trắc viễn tương giao với ống kính 50 mm (giống như Leica M); có cơ phận tự bấm; có nóc trụ phản chiếu 45 độ; tên "Mod. 7" khắc vào thân máy phía trên ống kính; tương giao với flash X ở 1/50 giây, với flash đèn bóng ở mọi tốc độ.

Ống kính trang bị cho máy Alpa 7 gồm có ống kính xếp gọn hoặc ống kính thường (không xếp, như Alpa Alora 50 mm f/ 3.5, Alpa Alfinon 50 mm f/ 2.8, Makro Kilar D 40 mm f/ 2.8, Schneider Xenon 50 mm f/ 1.9, Kern Macro Switar Apochromat 50 mm f/ 1.8, hoặc Delf 50 mm f/ 2.8.



ALPA 7b (số máy 40001-48101), sản xuất năm 1959-1965.

Nguồn: collectiblend.com

Tương tự như Alpa 7, nhưng được trang bị gương phản chiếu hồi tụ cấp thời; thêm cần lên phim.

Ống kính trang bị cho máy Alpa 7b gồm có ống kính xếp gọn hoặc ống kính thường (không xếp, như Alpa Alora 50 mm f/ 3.5, Alpa Alfinon 50 mm f/ 2.8, Makro Kilar D 40 mm f/ 2.8, Schneider Xenon 50 mm f/ 1.9, Kern Macro Switar Apochromat 50 mm f/ 1.8, hoặc Delf 50 mm f/ 2.8.



ALPA 7s (số máy 37201-39000), sản xuất năm 1958-1959.

Nguồn: collectiblend.com
Là kiểu máy Alpa 7, nhưng chụp ra âm bản bán khổ (18 x 24 mm, thay vì 24 x 36 mm). Ðây là kiểu máy hiếm vì số lượng sản xuất thấp.

Trang bị nhiều loại ống kính, có thể là ống kính xếp gọn hoặc ống kính thường (không xếp), như Alpa Alora 50 mm f/ 3.5, Alpa Alfinon 50 mm f/ 2.8, Makro Kilar D 40 mm f/ 2.8, Schneider Xenon 50 mm f/ 1.9, Kern Macro Switar Apochromat 50 mm f/ 1.8 hoặc Delf 50 mm f/ 2.8.



ALPA 8 (số máy 37201-39000), sản xuất năm 1958-1959.

Nguồn: collectiblend.com
Máy này chỉ là một sự cải biến nhỏ phối hợp giữa Alpa 6 và 7: miếng kính mờ trong ống nhắm phản chiếu có một vòng tròn, cắt ngang bằng một đường thẳng ngay giữa để cho dễ lấy nét, trong khi đó vẫn có kính trắc viễn như Alpa 6

Ðây là kiểu máy đầu tiên của Alpa (và cả thế giới) trang bị màn trập hồi tụ cấp thời (ta thường gọi lầm là "ống kính tự động", automatic lens, mà thực ra chỉ là auto diaphragm), nghĩa là khi bấm máy, màn trập trong ống kính tự đóng tới khẩu độ do ta chỉnh, sau khi thu hình, màn trập lại mở ra tối đa.

Ðây là kiểu máy hiếm vì số lượng sản xuất rất thấp. Ống kính trang bị cho Alpa 8 giống Alpa 5.



ALPA 8b (số máy 40001-48101), sản xuất năm 1959-1965.

Nguồn: collectiblend.com
Tương tự như Alpa 8, nhưng được trang bị gương phản chiếu hồi tụ cấp thời; thêm cần lên phim.

Ống kính trang bị cho máy Alpa 8b gồm có ống kính xếp gọn hoặc ống kính thường (không xếp, như Alpa Alora 50 mm f/ 3.5, Alpa Alfinon 50 mm f/ 2.8, Makro Kilar D 40 mm f/ 2.8, Schneider Xenon 50 mm f/ 1.9, Kern Macro Switar Apochromat 50 mm f/ 1.8, hoặc Delf 50 mm f/ 2.8.



ALPA 9d (số máy 46501-52000), sản xuất năm 1964-1969.

Nguồn: collectiblend.com
Có đầy đủ đặc tính của Alpa 6 và 6c, với những khác biệt như sau: thay vì quang kế selenium như Alpa 6c, Alpa 9d có quang kế CdS đo sáng qua ống kính (thru the lens metering, TTL CdS meter).

Máy có thể trắng, đen hoặc mạ vàng. Lớp da bọc ngoài máy có màu đen, đỏ hoặc lục.

Alpa 9d vẫn được nhiều người coi là chiếc máy ảnh đầu tiên trên thế giới có trang bị "quang kế đo qua ống kính" (TTL metering), nhưng một số người khác cho rằng thành quả này là của hãng Topcon của Nhật. Thực ra, sự khác biệt là ngày giờ mà hai hãng tung máy ra thị-trường Âu Châu và Mỹ Châu trước hoặc sau. Vinh dự thật sự vẫn là của Alpa.

Ống kính trang bị cho máy Alpa 9d gồm có ống kính xếp gọn hoặc ống kính thường (không xếp, như Alpa Alora 50 mm f/ 3.5, Alpa Alfinon 50 mm f/ 2.8, Makro Kilar D 40 mm f/ 2.8, Schneider Xenon 50 mm f/ 1.9, Kern Macro Switar Apochromat 50 mm f/ 1.8, hoặc Delf 50 mm f/ 2.8.



ALPA 9f (số máy 46201-46500), sản xuất năm 1965-1967.

Nguồn: collectiblend.com
Tương tự như Alpa 9d nhưng không có quang kế.

Ống kính trang bị cho máy Alpa 9d gồm có ống kính xếp gọn hoặc ống kính thường (không xếp, như Alpa Alora 50 mm f/ 3.5, Alpa Alfinon 50 mm f/ 2.8, Makro Kilar D 40 mm f/ 2.8, Schneider Xenon 50 mm f/ 1.9, Kern Macro Switar Apochromat 50 mm f/ 1.8, hoặc Delf 50 mm f/ 2.8.



ALPA 10d (số máy 52501-56400), sản xuất năm 1968-1972.

Nguồn: collectiblend.com
Ðổi kiểu thân máy so với các kiểu trước. quang kế CdS đo qua ống kính, bằng cách trập hai cái kim trong ống nhắm, khi nào cả hai kim chính giữa là đúng sáng. Máy trắng, đen hoặc mạ vàng, lớp da bọc ngoài màu đen, đỏ hoặc lục.

Ống kính cơ bản Kern Macro-Switar 50 mm f/ 1.9 trang bị cho Alpa 10d cũng được hoàn chỉnh lại.



ALPA 10f (số máy 52501-56400), sản xuất năm 1968-1972.

Nguồn: collectiblend.com
Tương tự như Alpa 10d, nhưng không có quang kế. Máy này cũng rất hiếm vì số lượng sản xuất thấp.



ALPA 10s (số máy 57101-?), sản xuất năm 1972-?.

Nguồn: collectiblend.com
Tương tự như Alpa 10d nhưng chụp ra âm bản bán khổ (18 x 24 mm thay vì 24 x 36 mm). Kiểu này hiếm vì số lượng sản xuất thấp.



ALPA 11e (số máy 57201-58300), sản xuất năm 1970-1972.

Nguồn: collectiblend.com

Tương tự như Alpa 10d, nhưng quang kế thay vì chỉ bằng kim, nay chỉ bằng đèn mũi tên: một chỉ thừa sáng, một chỉ thiếu sáng, khi cả hai mũi tên tắt tức là đúng sáng. Ống kính cơ bản, màu máy và màu da bọc máy cũng như Alpa 10d.


ALPA 11el (số máy 58301-59500), sản xuất năm 1972-1974.

Nguồn: collectiblend.com
Tương tự như Alpa 11e, nhưng quang kế chỉ bằng đèn mũi tên: một chỉ thừa sáng, một chỉ thiếu sáng, khi cả hai mũi tên tắt tức là “đúng sáng”.


ALPA 11si (số máy 60001-?), sản xuất năm 1976-1980.

Nguồn: collectiblend.com
Tương tự như Alpa 11el, nhưng quang kế chỉ thiếu/ đúng/ thừa sáng bằng đèn vàng/ lục/ đỏ (thay vì đèn mũi tên).

ALPA 11fs (số máy 60001-?), sản xuất năm 1977-1980.

Tương tự như Alpa 11si nhưng chụp ra âm bản bán khổ (18 x 24 mm thay vì 24 x 36 mm). Kiểu máy này cũng hiếm vì số lượng sản xuất thấp.

ALPA 11z (số máy 61300-?), sản xuất năm 1977-?.

Tương tự như Alpa 11fs, đây là kiểu Alpa chế tạo đặc biệt, dùng trong phòng thí nghiệm, chỉ làm theo đơn đặt hàng, là kiểu máy chụp ra âm bản bán khổ, không có quang kế, chỉ có một tốc độ duy nhất 1/60 giây, có kính trắc viễn (không có nóc trụ). Kiểu máy này rất hiếm.



ALPA Si2000 (số máy ?), sản xuất năm 1977-1979 (?)

Nguồn: collectiblend.com
Năm 1977, Alpa đặt hãng Chinon ở Nhật chế tạo ra kiểu máy Alpa Si2000, dùng ống kính vặn răng ốc (ngàm M42) như Pentax Spotmatic, Exakta... gọi là "cách gắn phổ thông" (universal mount, thay vì ngàm như các kiểu Alpa khác). Lợi điểm là ta có thể gắn rất nhiều loại ống kính của hãng khác vào thân máy này, mà ống kính loại này rất nhiều; bất lợi là các ống kính Alpa sản xuất tại Thụy Sĩ không gắn trực tiếp vào thân máy này được; muốn gắn ta cần một khâu nối (adapter - ngàm chuyển).

Nhưng điểm bất lợi nhất, Alpa 2000Si là kiểu máy Nhật rẻ tiền mang tên Alpa (mà nó rẻ tiền thật !, Alpa Si2000 là máy Chinon CE II Memotron cải biến), làm thương tổn đến thanh danh của Alpa... mà dân tiêu thụ cũng không muốn mua, dù giá rất rẻ do với các máy Alpa Thụy Sĩ. Alpa cố công quảng cáo "...mỗi một chiếc máy Alpa Si2000 đều được kiểm phẩm theo tiêu chuẩn của Alpa Thụy Sĩ trước khi xuất cảng..." cũng không cứu chữa được, do đó chỉ sống èo ọt khoảng 2 năm (?) rồi yểu tử. Một số máy cũ bán ở chợ trời nhiếp ảnh ngày nay cũng không có ai mua.

Máy Alpa Si2000 trông giống các máy ảnh bảo thủ của Nhật thời đó, có bánh xe chỉnh tốc độ, nút bấm máy, nút chỉnh để chụp chồng, cần lên phim... ở nóc máy phía trái (nhìn từ phía trước vào); cơ phận cản ánh sáng trộm chiếu vào ống nhắm, chỉnh độ nhạy của phim, chỉnh thừa/ thiếu sáng, cần trả phim... đều ở trên nóc máy phía phải. Nút tự bấm ở phía trước máy, gần ống kính; có quang kế silicon blue, ta chọn khẩu độ, máy chọn tốc độ...

Alpa Si2000 được trang bị ống kính Auto-Alpa 55 mm f/ 1.4 hoặc Macro Auto-Alpa 50mm F1.7; cả hai đều sản xuất ở Nhật và cả hai đều được tinh hóa nhiều lớp. màn trập điện tử Copal Square SE do Copal chế tạo, có màn chạy ngay trước mặt phim; tốc độ gồm B, FP, X, ST và từ 1 tới 1/2000 giây.



ALPA NGÀY NAY.

Sau khi sản xuất kiểu máy Alpa Si2000 thất-bại, Pignons S.A. tức là Alpa Thụy Sĩ im hơi lặng tiếng một thời gian dài... Ðại diện của Alpa tại Mỹ, Karl Heitz, Inc. (34-11 62nd Street, Woodside, NY 11377) cũng chỉ nhận sửa chữa các máy cũ như Alpa, Angénieux, Kinoptik, Robot, Spinshot, Tessina... năm 1993 tác giả viết thư gửi Pignons S.A. tại Thụy Sĩ hỏi thăm thì nhận được thư trả lời như sau:

"... Chúng tôi rất hân hạnh xác nhận cùng ông là máy Alpa 11si đã, đang và vẫn sẽ được sản xuất, gồm máy mạ vàng, mạ đen... cỡ nguyên khổ 24 x 36 mm và bán khổ 18 x 24 mm (kích thước thật sự là 17 x 22.5 mm). Hồi gần đây chúng tôi mới hoàn thành ống kính mới Macro-Switar 50 mm f/ 1.9, do hãng Kern ở Thụy Sĩ sản xuất. Ông có thể tin rằng chúng tôi đã phải đặt làm một số lượng lớn để hiệu chỉnh vốn đầu tư khá cao vào việc nghiên cứu, trù hoạch và sản xuất. Như ông cũng đã biết, Alpa 11si là kiểu máy duy nhất còn chế tạo bằng kim loại và lắp ráp bằng tay, thích ứng cho mọi công dụng nhiếp ảnh bầm dập, đụng chạm, gian nan mà còn có thể tồn tại lâu dài. số lượng Alpa phải sửa chữa, trong quá khứ, rất là ít, thường thì ban sửa chữa của chúng tôi ở Mỹ là Karl Heitz có thể hoàn tất bất cứ công việc sửa chữa nào, trong vòng 24 giờ. Căn cứ trên thành tích thượng đẳng này, bảo hiểm của máy đã được nới rộng tới "suốt đời" thay vì "5 năm" như trước đây, do đại diện của chúng tôi ở Mỹ đảm trách..."

Alpa Pignons S.A.
Ký tên: Klaus Dreier.

Như vậy là Alpa vẫn còn tồn tại, vẫn còn sản xuất máy ảnh, cho dù số lượng sản xuất giới hạn và chỉ nhận thực hiện theo đơn đặt hàng, qua đại diện ở Mỹ là hãng Karl Heitz.


NHỮNG KIỂU ALPA NÊN MUA.
Nếu bạn là người sưu tập máy Alpa, chắc bạn đã có khái niệm về những máy Alpa sản xuất suốt 65 năm qua... Bài này chỉ đưa ra một số chi tiết khái quát về Alpa, sản phẩm của Alpa, nhất là về ống kính, còn nhiều điều ly kỳ và lý thú!
Nếu ta mua máy để dùng, theo thiển ý, thì nên mua loại có quang kế trong máy, đo qua ống kính, chụp ra âm bản nguyên khổ 24 x 36 mm, ống kính đã tinh hoá và máy đã được hoàn chỉnh gần đến mức hoàn hảo... Những kiểu Alpa từ khi mới sản xuất tới đầu thập kỷ 50 là những máy, dù phẩm chất có đó, vẫn còn có nhiều vấn đề, không nên mua để sử dụng. Khoảng giữa thập kỷ 50 trở đi thì máy đã khá hơn. Theo thiển ý, muốn cho chắc ăn, ta có thể dùng Alpa từ đời 9d trở về sau và như vậy thì chắc bạn cũng đồng ý với chúng tôi là có ba loại Alpa xứng đáng để chúng ta đi lùng:

­ - ALPA 9d (sản xuất năm 1964-1969).
Hình dáng nặng nề, giống như chiếc Bentley đeo mặt nạ ! Máy màu trắng, đen hoặc mạ vàng... với nóc trụ màu đen, có hàng chữ "Alpa Reflex 9d" khắc phía trước.
Quang kế CdS, có hai kim, chập nhau là “đúng sáng”; ống kính cơ bản trang bị là Kern Macro-Switar 50 mm f/ 1.8.

­ - ALPA 10d (sản xuất năm 1968-1972).
Hình dáng cải biến, dù vẫn nặng, nhưng trông nhẹ nhàng hơn Alpa 9d. quang kế CdS, chỉnh đúng sáng bằng cách chỉnh cái kim vào chính tâm... Ống kính cơ bản là Kern Macro-Switar 50 mm f/ 1.9 (thay vì f/ 1.8 như Alpa 9d).

­ - ALPA 11el (sản xuất năm 1972-1974).
Kiểu máy này tương đối cổ điển nếu đem so sánh với những máy ảnh hoàn toàn điện tử ngày nay. Trong khi các hãng máy khác từ từ chế biến hình thể, đường nét... của cái máy cho hợp với thị hiếu đương thời thì Alpa vẫn sử dụng cái vỏ rất cổ điển, rất bền chắc và cũng rất bảo thủ của mình.

  1. Cái bảo thủ thứ nhất là hệ thống đo sáng, dùng ba tế bào cảm quang CdS, hai cái đo sáng của hình ảnh nơi miếng kính mờ, một đo ngược trở lại ống nhắm (và trừ đi ánh sáng trộm), quang kế chạy bằng pin thủy ngân.
  2. Phía trước máy có một nút trắng, nhám hình chữ nhật ngay gần nút bấm, nút này là khoá tắt/ mở quang kế và tắt/ mở nút bấm máy. Ðẩy khoá này từ phải sang trái (ở vị thế chụp), ta thấy có ba nấc rõ ràng, theo thứ tự trên, là: "quang kế tắt/ nút bấm mở", "quang kế mở/ nút bấm mở" và "quang kế mở/ nút bấm tắt". Chỉnh khoá vào vị trí giữa, đưa máy lên nhắm và bấm nhẹ vào nút bấm, ta thấy đèn báo bật và ống nhắm tối hẳn lại, vì đây là kiểu máy "stop down" nghĩa là đo sáng ở "khẩu độ do ta chọn" (tương tự như quang kế của Pentax Spotmatic, Canon Ft, Ftb...). Ðèn báo là hai mũi tên ở phía dưới của khung nhắm.
  3. Nhìn từ trên xuống phía trái nóc máy, kế ngay nút trả phim, ta thấy một cửa sổ nữa để đọc quang kế, giống như kiểu Nikon FTn, F2... mà ta từng quen thuộc hơn.
  4. Ống kính trông cũng khá bảo thủ, nhưng đấy chỉ là cái vỏ bề ngoài. Ống kính cơ bản vừa để chụp xa, vừa để chụp cận, Kern Macro-Switar 50 mm f/ 1.9 do hãng Kern ở Thụy Sĩ sản xuất riêng cho Alpa, bắt vào thân máy bằng ngàm đặc biệt của Alpa. khẩu độ từ f/ 1.9 tới f/ 22, tốc độ máy từ 1 giây tới 1/1000 giây, B, FP, MX (tương giao flash). Ðặc-điểm của Alpa là ta có thể bắt rất nhiều ống kính khác vào thân máy Alpa, qua một khâu nối, tất nhiên; trong số đó có tất cả các loại ống kính vặn (kiểu Pentax Spotmatic, Exakta...), Nikon, Leica...
  5. Cái bảo thủ nữa là cách sắp xếp phía ngoài của máy: cần lên phim thay vì đẩy từ phía sau ra phía trước máy (như hầu hết các máy 35mm trên thế giới), Alpa lại kéo từ phía trước ra phía sau (theo chiều kim đồng hồ), mới nhìn thì thấy ngược ngạo, nhưng dùng rồi thì ta mới thấy Alpa có lý: cần lên phim không bao giờ cấn phía trước con mắt ta và dùng cũng thuận tay hơn. Nút bấm máy đặt phía trước thân máy, kế ngay ống kính về phía ngón tay trỏ phải.
Nhưng khi ta mở lưng máy ra, nhìn vào cái thân máy trần thì ta mới thấy tất cả sự bảo thủ của Alpa đều có lý: thân máy đúc bằng kim loại, dầy, nặng, bền, chắc... không phải bằng nhựa (như đồ chơi trẻ con của những máy ảnh điện tử ngày nay, kể từ Nikon trở xuống...), đến nỗi ta có thể dùng cái thân máy Alpa làm búa đóng đinh được ! Dĩ nhiên không ai dùng máy Alpa làm búa, nhưng khi quan sát cái thân máy đúc bằng kim loại của Alpa, ta có cảm tưởng như vậy ngay. Alpa 11el nặng khoảng 1.3kg !

-­ ALPA 11si (sản xuất năm 1976-1980).
Tuy nói là ngưng năm 1980 nhưng Alpa vẫn tiếp tục sản xuất máy này, hình thể phía ngoài cũng không khác kiểu 11el... vẫn cái cần lên phim ta phải "ngoéo" từ trước ra phía sau, vẫn cái nút bấm máy phía trước, ngay cạnh ống kính... Vẫn cái cần trả phim song song rất đặc biệt mà Minolta đã cọp y chang vào cái Minolta Maxxum 9000.
Ống kính trang bị cho Alpa 11si là đợt ống kính mới Kern Macro-Switar 50 mm f/ 1.9 mà nguyệt san Modern Photography số phát hành tháng 3-1986 tường trình là phẩm chất ở mọi khẩu độ đều tối hảo, từ trung tâm tấm ảnh ra cho đến góc ảnh.



KẾT LUẬN.
Như tất cả những gì quý phái ở trên đời, Alpa là một kiểu máy ảnh cổ điển, bảo thủ, bền chắc và có phẩm chất cao. Kỹ thuật điện tử, màu mè, sặc sỡ... không phải là đặc tính của Alpa. Về hình thể, xắp xếp, Alpa không giống các máy ảnh khác, kể cả Leica của Ðức, vốn đã chế tạo những kiểu máy cổ điển với một số đặc tính khác người.
Alpa chủ trương chế tạo chiếc máy ảnh tốt, không nề hà đến giá thành, đó cũng là một yếu tố khiến máy Alpa không phổ thông; nhiều người, rất nhiều người nữa là khác, không hề nghe đến tên Alpa, nói gì đến việc biết Alpa là một hãng chế tạo máy ảnh, mà lại là hãng chế tạo máy ảnh tốt!
Tuy với tất cả những cái gì bất thường và bảo thủ, Alpa vẫn có một số đệ tử trung thành, biết đâu, sau khi đọc bài này, trong số đệ tử đó có thêm bạn và tôi. Tuy vậy, có một điều tôi đoan chắc cùng bạn, nếu ta sở hữu một chiếc máy Alpa ở lứa tuổi 30, cho đến hết kiếp này, chúng ta không có cơ hội thấy cái Alpa của ta bị hư hỏng, vì chiếc máy Alpa đã được chế tạo để chúng ta dùng tới ba đời lận, là đời ta, con và cháu ta...

---

Ðây là bài viết của tác giả Lê Ngọc Minh, tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau, nhưng không phải là tài liệu dịch thuật từ sách báo ngoại quốc.

© Lê Ngọc Minh, 1998
Tham khảo thêm: Alpa Swiss, CollectiBlend